Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN

27/03/2019

​Ngày 27/03/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm và bà Akiki Fujii, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đã chủ trì Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua. Hội thảo do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức. Tham dự Hội thảo có đại diện Thanh tra Chính phủ; các đối tác phát triển (UNDP, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ý...); đại diện Thanh tra các bộ, ngành TW; Thanh tra và Ban nội chính của một số tỉnh, thành phố; một số hiệp hội, tổ chức tín dụng, công ty đại chúng; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, sau khi   Quốc hội thông qua Luật PCTN năm 2018 (thay thế Luật PCTN năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012), Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018 và đến nay TTCP đã hoàn chỉnh Dự thảo lần 1. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, Luật PCTN năm 2018 có nhiều điểm mới như việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; việc đánh giá công tác PCTN; xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN...đây là những vấn đề mới đòi hỏi phải có những quy định chi tiết, cụ thể trong Nghị định. Để nội dung của dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN đảm bảo chất lượng, bám sát yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm mong muốn các đại biểu đóng góp, chia sẻ nhiều ý kiến với tinh thần cởi mở, thẳn thắng nhằm giúp TTCP hoàn chỉnh nội dung Nghị định.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Akiki Fujii, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng; Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Phòng chống tham nhũng của LHQ năm 2009; sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; và thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 2018. Đặc biệt, một trong những điểm mới trong Luật là việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó “Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức” là một trong những chỉ số chính”. Bà Akiki Fujii khẳng định, UNDP đã và đang hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện Luật PCTN; đây là bước đầu quan trọng nhằm đưa Luật vào cuộc sống. Bà Fujii hy vọng Hội thảo sẽ tạo nền tảng cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp thực hiện Luật PCTN mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến góp ý về một số nội dung liên quan tới việc quy định cụ thể về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện như: Công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý doanh nghiệp khi để xảy ra hành vi tham nhũng… Ngoài ra, các nhóm nội dung khác được đưa ra tại Hội thảo gồm: Trách nhiệm giải trình; đánh giá công tác PCTN; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc chuyển đổi vị trí công tác; tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng; việc xử lý hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật khác về PCTN.


VIDEO