Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Cần thiết lập cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng

16/11/2017

Đó là một trong những biện pháp được đưa ra tại hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài khoa học "Bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng" của ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra. Hội thảo được tổ chức ngày 16/11, với sự tham gia của các đại biểu đến từ các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

​Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của người dân, nhiều vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tham nhũng (PCTN) nói chung, tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng đã được biểu dương, tôn vinh. Tuy nhiên, cũng vì đấu tranh chống tham nhũng, không ít người TC đã bị xâm hại đến quyền và lợi íc hợp pháp, thậm chí bị trả thù, trù dập, ảnh hưởng rất lớn đến công việc và cuộc sống hàng ngày. 

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, chi tiết về cơ chế bảo vệ người TC hành vi tham nhũng, cũng như chưa quy định trong những trường hợp nào thì người TC và nhân thân của họ được bảo vệ. Điều này đã khiến trong rất nhiều trường hợp người TC không giám hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ, khen thưởng người TC hành vi tham nhũng, theo Chủ nhiệm đề tài cần nghiên cứu thiết lập cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người TC, cơ quan này có nhiệm vụ tiếp nhận đề nghị bảo vệ của người TC, của các cơ quan, tổ chức hữu quan chuyển đến; quy định việc quản lý, xử lý, khai thác, sử dụng thông tin TC và thông tin về người TC phải chặt chẽ, theo hướng giới hạn đối tượng được tiếp cận thông tin, nhằm hạn chế làm lộ thông tin của người TC. Pháp luật cần quy định cụ thể nhằm bảo vệ người TC
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của đề tài, các kết quả nghiên cứu đầy đủ, các thông tin thực tiễn rất quý giá, lý luận sâu sắc,  các giải pháp mang tính khả thi ...Tuy nhiên, đề tài cần phải bổ sung phần chung của bảo vệ và khen thưởng,  nói về ý nghĩa hau vấn đề nêu ra, trong đó nhấn mạnh đến nhận thức của người dân, sự tham gia tố giác của người dân thì mới được khen thưởng hoặc nên chăng tách ra hai đề tài khác nhau...

Cùng ngày, hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài “Phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra” cũng được Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức lấy ý kiến. Đề tài do ThS. Lê Văn Đức - Nghiên cứu viên - Phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Thanh tra làm chủ nhiệm.
Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, để làm rõ mục tiêu đề ra, đề tài nghiên cứu một số vấn đề chung về phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra; Phân tích thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra. Trên cơ sở đó, Đề tài đề ra phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực hiện thẩm quyền trong hoạt động thanh tra.
Ý kiến của các đại biểu cho rằng, đây là đề tài khó, Ban Chủ nhiệm đề tài đã có sự đầu tư kỹ lưỡng về các nội dung nghiên cứu, phân tích sâu sắc các vấn đề được đưa ra. Về cơ bản nội dung nghiên cứu của đề tài đã làm rõ được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý kiến, về nội dung phân định thẩm quyền, thay vì đối tượng phân định thẩm quyền, cần đổi thành chủ thể phân định thẩm quyền cho phù hợp hơn. Phần thực trạng, việc phân tích thực trạng có thể bám sát vào mục đích phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra; cần có sự thống nhất trong phân tích các nội dung phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra để đảm bảo sự logic hơn. Phần phương hướng, bám sát vào chủ trương, chính sách đổi mới hoạt động các cơ quan thanh tra./.

VIDEO