Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc phủ Thủ tướng (thời kỳ 1949-1954)

25/09/2020

Cuối năm 1949, cuộc khánh chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược tuy đã giành được những thắng lợi to lớn song cũng đang còn nhiều khó khăn, thử thách nặng nề. Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, giao thông liên lạc giữa các khu, các tỉnh trở nên khó khăn, việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đòi hỏi phải được kiểm tra chặt chẽ để trên dưới thông suốt, ngăn ngừa và sửa chữa kịp thời các lệch lạc xảy ra nên càng đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác thanh tra. Do vậy, cần củng cố và thống nhất lực lượng thanh tra. Nhận thấy Ban Thanh tra Đặc biệt không còn phù hợp với giai đoạn lịch sử này, Chính phủ quyết định thành lập một Ban Thanh tra mới để thống nhất hoạt động thanh tra trong cả nước.

Trong phiên họp giữa tháng 6/ 1949, Hội đồng Chính phủ đã điểm lại quá trình thực hiện công tác thanh tra trong những năm qua và nhận thấy: Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, công tác thanh tra của Ban Thanh tra Đặc biệt tạm thời ít hoạt động hoặc hoạt động chủ yếu là động viên, hướng dẫn nhân dân và các cấp chính quyền tổ chức kháng chiến và sản xuất. Đến đây, ban Thanh tra Đặc biệt đã làm tròn vai trò lịch sử, có những đóng góp to lớn, kịp thời vào công cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra thường xuyên và đúng chức trách của cơ quan Thanh tra nhà nước và cần đề cử một vị có tên tuổi, uy tín và danh tiếng giữ chức Tổng Thanh tra.

Trong phiên họp cuối tháng 7/1949, Hội đồng Chính phủ quyết định tổ chức lại các ban thanh tra ở các bộ, đồng thời thảo luận làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của Ban thanh tra Chính phủ và Ban Thanh tra các bộ, sự phối hợp và quan hệ giữa Ban Thanh tra Chính phủ với các ban thanh tra các bộ, các địa phương.

Đầu tháng 10/1949, tiếp tục thảo luận về công tác thanh tra, Hội đồng Chính phủ nhận thấy: Cần phân biệt công việc kiểm tra và công việc thường xuyên của những người phụ trách. Công việc thanh tra có tình cách đứng trên mà xem xét công việc của một bộ phận; do vậy, chỉ đặt cơ quan thanh tra ở Phủ Chủ tịch và các bộ.

 Như vậy, công tác thanh tra được Hội đồng Chính phủ thảo luận kỹ lưỡng và cụ thể qua nhiều phiên họp, làm rõ và có sự nhất trí cao trong các thành viên Hội đồng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra Chính phủ cũng như ban thanh tra các bộ, các địa phương.

Qua nhiều lần thảo luận và thống nhất, giữa tháng 12/1949, tại phiên họp toàn thể, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị quyết giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra chính phủ đồng thời cử các thành viên vào Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ chí Minh ký Sắc lệnh số 138b- SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Bản Sắc lênh này gồm có 7 điều:

Điều 1: Nay bãi bỏ Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt

Điều 2: Nay đặt một Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng gồm có:

             Một Tổng Thanh tra.

             Một Tổng Thanh tra phó.

             Ba Thanh tra.

             Các vị Tổng Thanh tra, Tổng Thanh tra phó và Thanh tra đều do Sắc lệnh chỉ định.

Điều 3: Giúp việc Ban Thanh tra có một văn phòng và một số phái viên thanh tra do nghị định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Điều 4: Ban Thanh tra có nhiệm vụ:

  1. Xem xét sự thi hành chính sách, chủ trương của Chính phủ
  2. Thanh tra các ủy viên ủy ban khánh chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết
  3.  Thanh tra sự khiếu nại của nhân dân

Điều 5: Để  thực hiện nhiệm vụ trên, Ban Thanh tra Chính phủ có quyền hạn như sau:

  1. Phạm vi thanh tra: Các cơ quan của Chính phủ.
  2. Chất vấn các ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức, đòi hỏi tài liệu và sổ sách cần thiết cho công việc thanh tra.
  3. Trong trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, tạm huyền chức những ủy viên và viên chức phạm lỗi:
  • Đối với những ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính thì từ cấp tỉnh trở xuống, Thanh tra sẽ báo cáo ngay cho cơ quan chỉ định hoặc công nhận để định đoạt về việc thay thế.
  • Đối với những viên chức thì từ cấp Liên khu trở xuống, khi đó Thanh tra sẽ báo cáo ngay cho Ủy ban kháng chiến hành chính trực tiếp điều khiển để chỉ định người tạm thay thế trong khi chờ đợi sự quyết định của cơ quan có quyền bổ dụng.

Điều 6: Đặc quyền tài phán định trong Sắc lệnh số 9/SL ngày 29/1/1947 cho các vị Bộ trưởng và Thứ trưởng, nay áp dụng cho các vị trong Ban Thanh tra Chính phủ.

Điều 7: Thủ tướng Chính phủ chiếu Sắc lệnh thi hành.  

Cũng trong ngày 18/12/1949, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138c-SL cử các vị sau đây vào Ban Thanh tra Chính phủ:

  • Tổng Thanh tra: Cụ Hồ Tùng Mậu
  • Tổng Thanh tra phó: ông Trần Đăng Ninh
  • Thanh tra: ông Tô Quang Đẩu.

Như vậy, Ban Thanh tra Chính phủ đã được tổ chức chặt chẽ và có hệ thống với chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng, cụ thể. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ cùng với những cơ sở pháp lý do Sắc lệnh quy định đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công việc thanh tra, khẳng định thêm vai trò của cơ quan thanh tra trong công cuộc bảo vệ, giải phóng và xây dựng đất nước.

Bác Hồ và Tổng Thanh tra cụ Hồ Tùng Mậu với đại biểu phụ nữ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3.1951)


VIDEO