Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

RSS

Khái niệm RSS

RSS ( viết tắt từ Really Simple Syndication ) là một tiêu chuẩn định dạng tài liệu dựa trên XML nhằm giúp người sử dụng dễ dàng cập nhật và tra cứu thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất bằng cách tóm lược thông tin vào trong một đoạn dữ liệu ngắn gọn, hợp chuẩn.

Dữ liệu này được các chương trình đọc tin chuyên biệt ( gọi là News reader) phân tích và hiển thị trên máy tính của người sử dụng. Trên trình đọc tin này, người sử dụng có thể thấy những tin chính mới nhất, tiêu đề, tóm tắt và cả đường link để xem toàn bộ tin.

Các kênh RSS

Chương trình đào tạo trực tuyến về Tội phạm Hối lộ & Tham nhũng

2022-03-29 08:32:00.0

Trong khuôn khổ hợp tác Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-PAC), từ ngày 01-03/3/2022, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã tham dự Chương trình đào tạo trực tuyến về Tội phạm Hối lộ & Tham nhũng do Cục Chống tham nhũng (ACB) Bờ-ru-nây Đa-ru-xa-lam phối hợp với Cơ quan Phòng, chống tội phạm quốc gia Vương quốc Anh (NCA) tổ chức. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các ý kiến đề xuất nội dung đào tạo của các cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN) là thành viên ASEAN-PAC nhằm góp phần nâng cao năng lực PCTN cho các cơ quan này và thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của ASEAN-PAC giai đoạn 2020-2022. Tham dự chương trình đào tạo có khoảng 50 đại biểu đến từ 10 cơ quan thành viên ASEAN-PAC.

Theo Chương trình, tại khóa tập huấn, các cơ quan thành viên đã nghe và trao đổi thông tin với các chuyên gia và đại biểu đến từ ASEAN-PAC và NCA về các nội dung chính, gồm: Tội phạm kinh tế; Phương thức tiến hành một cuộc điều tra tội phạm phức tạp; Gian lận trong mua sắm; Tội phạm rửa tiền; Chia sẻ thông tin và tình báo tài chính; Thu thập chứng cứ nước ngoài và quy trình gửi Yêu cầu tương trợ quốc tế (ILOR), Cơ cấu quản trị và giao dịch ngân hàng ở nước ngoài.

Trong ngày đầu tiên, khóa đào tạo đã giới thiệu khái quát cho các đại biểu tham dự về khái niệm của 03 loại tội phạm tham nhũng và mối tương quan giữa chúng; tổng quan về tội phạm kinh tế, tội hội lộ và các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật của Anh Quốc; tội rửa tiền và các hình thức che giấu tài sản; cơ cấu doanh nghiệp và vấn đề chuyển tiền, tài sản bất hợp pháp ra nước ngoài.

Đối với định nghĩa về tham nhũng, chuyên gia của NCA chia sẻ 3 loại tham nhũng, bao gồm:

(i) Tham nhũng lớn: là tham nhũng làm méo mó sự vận hành của quốc gia, mang lại nguồn lợi riêng bất chính cho các lãnh đạo cấp cao;

(ii) Tham nhũng nhỏ: là các khoản hối lộ mà công chức ở cấp thấp hơn thường xuyên nhận;

(iii) Tham nhũng chính trị: là loại tham nhũng về chính sách mà các nhà lãnh đạo dùng để duy trì quyền lực và sự giàu có không chính đáng của mình.

Đại diện đến từ cơ quan Cảnh sát Luân - đôn cũng chia sẻ về hệ thống các quy định về phòng, chống hối lộ mà Anh Quốc hiện đang áp dụng. Theo đó, các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không chủ động có các biện pháp ngăn chặn hành vi hối lộ ngay từ đầu. Các quốc gia cần có các quy định về phòng, chống hối lộ cho các doanh nghiệp và bản thân các doanh nghiệp, tổ chức phải tự xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cam kết không hối lộ, không rửa tiền, không vi phạm các quy định về thuế v.v.

Theo chia sẻ của chuyên gia NCA, tội phạm thường tận dụng những lỗ hổng trong cơ cấu tổ chức của các tập đoàn, doanh nghiệp để rửa tiền, che giấu tài sản hoặc chuyển tài sản phạm tội ra nước ngoài. Các tội phạm rửa tiền cũng tận dụng các trung tâm tài chính để thực hiện các hành vi sai phạm về thuế hoặc tạo các tầng nấc che giấu nguồn gốc thực của tài sản. Đối với hệ thống ngân hàng ủy thác, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều không có các phòng, ban có chức năng điều tra thông tin khách hàng, không thực hiện được các biện pháp thích đáng nhằm truy tìm chủ sở hữu chính thức của các quỹ và tài khoản ký gửi. Đây cũng là một lỗ hổng, cản trở việc truy tìm nguồn gốc tài sản và thu thập chứng cứ cho điều tra.

Ngày làm việc tiếp theo của chương trình đào tạo xoay quanh các vấn đề về cách thức điều hành một cuộc điều tra phức tạp có liên quan đến gian lận; đặc biệt là gian lận trong mua sắm; cơ chế chia sẻ thông tin phục vụ điều tra; thu thập chứng cứ từ nước ngoài và quy trình gửi Thư đề nghị trợ giúp chính thức quốc tế ILOR.

Các sai phạm phổ biến trong mua sắm thường liên quan đến gian lận hoá đơn, thông đồng trong đấu thầu, xung đột về lợi ích khi không chủ động khai báo về những mối quan hệ quen biết với nhân sự có thẩm quyền trong quá trình đấu thầu hay ký kết hợp đồng…Các đại biểu cũng được nghe về kinh nghiệm phát hiện và đưa ra các cảnh báo về các giao dịch mua sắm đáng ngờ. Theo đó, có thể cần có các cảnh báo về phía các nhà cung ứng, cảnh báo về hợp đồng, cảnh báo về giải ngân, quyết toán và về nhân sự có liên quan. Các đại biểu cũng được nghe về phương thức điều tra các gian lận mua sắm, cách thức tiến hành các cuộc điều tra phức tạp cũng như cách quản lý điều hành một cuộc điều tra trong đó cần chú trọng đến xác định nơi tìm kiếm chứng cứ, cách thu thập, phân tích các chứng cứ và cơ chế phối kết hợp với các cơ quan liên quan. Anh Quốc hiện đang nỗ lực xây dựng một quy trình toàn diện để tiến hành các cuộc điều tra kinh tế phức tạp, để từ đó có thể áp dụng trong điều tra tội phạm hối lộ, tham nhũng, rửa tiền.

Đối với các yêu cầu tương trợ quốc tế, các chuyên gia cho biết, trước khi gửi các thư yêu cầu trợ giúp, các quốc gia cần phải thu thập thông tin căn bản trước đó để bảo đảm hiệu quả tương trợ cũng như thời gian và nguồn lực dành cho quá trình này.

Trong ngày cuối cùng của chương trình đào tạo, các diễn giả đến từ các tổ chức UNODC, FBI, IACCC, Interpol chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ các quốc gia trong quá trình điều tra các tội phạm hối lộ, tham nhũng, gian lận đồng thời thông tin và khẳng định hỗ trợ kết nối giữa các đầu mối liên lạc ở các cơ quan, tổ chức liên quan trên toàn thế giới. Các tổ chức này giúp trao đổi thông tin qua lại giữa các quốc gia trong các cuộc điều tra xuyên biên giới trong bối cảnh tài sản tham nhũng được luân chuyển qua các quốc gia một cách rất nhanh chóng và tinh vi. Theo các chuyên gia, các cơ quan liên quan nên ký kết các bản ghi nhớ hợp tác để tăng cường hiệu quả trong phối hợp điều tra.

Kết thúc khóa học, các chuyên gia khẳng định, điều tra tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng lớn khi đối tượng tội phạm là những người có thế lực, ảnh hưởng chính trị luôn là vấn đề phức tạp, thách thức cả những nước có thành tích chống tham nhũng cao nhất. Khi phải gánh chịu các tác động của tham nhũng thì các quốc gia khó thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế, bền vững. Trong bối cảnh đó, một khuôn khổ pháp luật quốc gia đầy đủ, toàn diện, tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế và một cơ chế hợp tác hiệu quả, thực chất trong khuôn khổ hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia là điều các quốc gia cần tiếp tục hướng đến và thúc đẩy./.


VIDEO